Theo lịch trình, Chiều ngày 4/10/2019, Tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia đã diễn ra và vinh dự được sự đồng đồng chủ trì của Thủ Tướng Nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Ngài Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Campuchia. Tham dự Hội nghị có khoảng 500 đại biểu đến từ các cơ quan bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và Campuchia, các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội kinh tế hai nước.
Tại hội nghị, được sự phân công của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ông Nguyễn Thanh Dũng, Giám đốc Agribank Chi nhánh Campuchia, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC) đã có có bài phát biểu trình bày về hoạt động đầu tư của Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất với Chính phủ Việt Nam và Campuchia trong chính sách kinh tế nhằm hỗ trợ cho Doanh nghiệp. Cụ thể:
1. Các Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Campuchia thời gian qua không những chỉ thành công về kết quả kinh doanh của bản thân mình, mà còn có những đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển của Vương Quốc Campuchia, trong đó bao gồm: Thứ nhất là đóng góp cho ngân sách quốc gia thông qua nộp các loại thuế theo luật định; Thứ hai là có những đóng góp trực tiếp cho hoạt động, trang thiết bị, cũng như sẵn sàng thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo của các Bộ, Ngành, các cơ quan Chính phủ Campuchia các cấp Trung ương và địa phương; Thứ ba là: thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội của Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam đã làm phong phú thêm các sản phẩm và dịch vụ tại thị trường Campuchia, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và xã hội, đa dạng hóa cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu các nhà FDI, tăng xuất khẩu và góp phần khiêm tốn của mình vào tăng trưởng kinh tế cao 7% suốt một thập kỷ qua của Campuchia; Thứ tư là: các doanh nghiệp Việt có nhiều hoạt động thiện nguyện, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của mình, đóng góp bằng hiện vật và tài chính cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các vùng khó khăn, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, … trong đó có các hoạt động và đóng góp thông qua Hội Chữ Thập đỏ Campuchia cấp Trung ương và chi nhánh các Tỉnh, Thành phố, các Doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp của người Khmer gốc Việt, đã là những nhà hảo tâm đóng góp cho quỹ Chữ Thập đỏ hàng năm tại sự kiện thường niên; Thứ năm là các doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần tạo hàng ngàn công ăn việc làm, với mức lương khá, ổn định cho người dân Khmer, kể cả các vị trí quản lý cao cấp, tới những việc làm nông nghiệp hay công nghiệp chế tạo tay nghề đơn giản. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các doanh nghiệp Việt Nam và gốc Việt đã đóng vai trò một chất xúc tác, một cầu nối, tăng cường quan hệ láng giếng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác cùng có lợi bền vững giữa hai dân tộc chúng ta.
Có thể nêu điển hình một vài Doanh nghiệp Việt như: (1) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã trồng cao su tại nhiều địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, ngoài việc đóng góp lớn cho ngân sách (trên 24 triệu USD) đã tạo việc làm cho nhiều nghìn lao động Campuchia, đóng góp phát triển hạ tầng và an sinh xã hội Campuchia khoảng 40 triệu USD; (2) Công ty Metfone/Viettel từ khi thành lập đến nay trong 10 năm qua đã nộp thuế 461 triệu USD vào ngân sách nhà nước Campuchia, chi an sinh xã hội hơn 80 triệu USD cho các chương trình của Chính phủ CPC; (3) Ngân hàng BIDC đã đóng góp trên 10 triệu USD cho công tác cộng đồng và hỗ trợ người Campuchia gốc Việt Nam cũng như người Khmer có khó khăn; (4) Ngân hàng Agribank đã ủng hộ trên một triệu USD để xây dựng các trường học, các cơ sở kinh tế - chính trị và xã hội, Hội Chữ thập đỏ Campuchia, Quỹ Trái tim Campuchia (5) Công ty MekongNet đã ủng hộ trên 30.000 USD mỗi năm cho tổ chức “Nụ cười” Cambodia, Hội phụ nữa Campuchia, Bệnh viện Kunthea Bopha, (6) Công ty sữa Angkor Milk đã ủng hộ trên 550.000 USD cho Hội Chữ thập đỏ Campuchia, Bộ Thương mại Campuchia, làm từ thiện cho các trường học, Bệnh viện… và rất nhiều Doanh nghiệp khác đã hoạt động tốt, góp phần phát triển kinh tế xã hội Campuchia như: Đại diện Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines tại Campuchia), Hãng Hàng không Quốc gia Cambodia Angkor Air, Ngân hàng MB, Sacombank, SHB… đã được sự khen ngợi, đánh giá cao của Lãnh đạo Chính phủ Campuchia.
2. Các đề xuất của Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia qua tổng hợp từ các Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia: (i) Đối với Chính phủ Việt Nam: (1) Cần tăng cường tuyên truyền phổ biến và cập nhật cho các Doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thời điểm thuận lợi này của thị trường Campuchia và chính sách khuyến khích của Chính phủ Hoàng gia Campuchia. (2) Triển khai nhanh các thỏa thuận đã ký kết. (3) Có cơ chế để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp Việt Nam như ưu đãi về vốn và lãi suất vay đầu tư, kinh doanh, có chính sách thuận lợi hơn nữa nói chung đối với việc vay vốn từ Việt Nam để đầu tư sang Campuchia. (4) Cho phép Doanh nghiệp có hạn mức chuyển tiền phù hợp khi bước đầu khảo sát thị trường Campuchia.
(ii) Đối với Chính phủ Campuchia: (1 ) Cần chỉ đạo các Bộ, ngành, tỉnh quan tâm hướng dẫn và có chính sách ưu đãi riêng, đặc thù đối với các lĩnh vực, khu vực mà Doanh nghiệp Việt Nam có ưu thế. (2) Cho phép doanh nghiệp đã đầu tư điều chỉnh kế hoạch tổng thể linh hoạt để phù hợp với điều kiện địa lý, đất đai, thổ nhưỡng và thị trường. (3) Giảm chi phí visa lao động, thẻ lao động hàng năm. (4) Nới lỏng quy định về tỉ lệ lao động nước ngoài, đặc biệt ở những lĩnh vực đang thiếu hụt nhân công nghiêm trọng như các ngành thâm dụng lao động (cao su, trồng và chế biến cây ăn quả,..). (5) Thủ tục thông quan hàng hoá cần thuận lợi nhanh chóng. (6) Thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận giá trị đã đầu tư hàng năm (C.O.C)…(7) Xem xét ban hành quy định quyết toán thuế dứt điểm từng năm nhằm hạn chế việc vi phạm về thuế kéo dài, dẫn đến bị xử phạt.
(iii) Các Bộ ngành Việt Nam và Campuchia phối hợp: (1) Tăng cường hợp tác chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế chính sách, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định. (2) Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch chung về tăng cường kết nối hai nền kinh tế, trong đó có giao thông vận tải, bao gồm vận tải biển và hàng không, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. (3) Chúng tôi xin mạnh dạn đề nghị hai Thủ tướng và Chính phủ, các Bộ ngành hai nước cho thành lập những khu kinh tế Việt Nam – Campuchia ở Campuchia (tương tự các Khu công nghiệp Singapore tại Việt Nam), có thể đặt ở các vùng ven biên giới, hoặc các vùng mà doanh nghiệp Việt có thế mạnh như nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến hàng tiêu dùng, v..v.; (4) Phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. (5) Có chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư đối với địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. (6) Đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa qua biên giới, bảo quản nông sản, kiểm định chất lượng.... góp phần giảm chi phí về lao động, phương tiện đi lại...
3. Qua hội nghị, Ông Nguyễn Thanh Dũng, đại diện cho cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đã trân trọng kính mời Ngài Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen và Phu nhân dành thời gian quý báu tham dự “Chương trình gặp gỡ thân mật giữa Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam và Lãnh đạo Chính phủ Campuchia, mừng Xuân Canh Tý năm 2020”, trong khoảng 10 ngày trước Tết Nguyên Đán. Đây sẽ là niềm vinh dự, tự hào và là sự khuyến khích, động viên, động lực vô cùng to lớn đối với cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, đặc biệt là khi được Ngài Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen và Phu nhân chúc Tết cổ truyền.
Bài phát biểu của Ông Nguyễn Thanh Dũng, Giám đốc Agribank Chi nhánh Campuchia, Chủ tịch VBCC đã tạo được sự đặc biệt quan tâm, chú ý từ phía Ngài Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
1. Về phía Ngài Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen:
Thủ tướng Hun Sen cho biết, vào dịp Tết hằng năm, sẽ gặp gỡ các nhà đầu tư Việt Nam cũng như đề xuất tổ chức cuộc gặp gỡ thường kỳ giữa Hội đồng Phát triển Campuchia và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư vào Campuchia trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, vận tải và logistics, xây dựng và vật liệu xây dựng, giáo dục và đào tạo kỹ thuật nghề nghiệp.
Thủ tướng Campuchia cho biết, về du lịch, số lượng du khách 2 nước sang thăm lẫn nhau sẽ ngày càng tăng thêm khi đường bay thẳng Phnom Penh và Đà Nẵng được thiết lập thời gian tới, góp thêm vào số lượng 120 chuyến bay Việt Nam-Campuchia mỗi tuần hiện nay.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định, Chính phủ Campuchia đang nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cơ chế đối thoại chính phủ và doanh nghiệp, cắt giảm các chi phí kinh doanh, xây dựng dự thảo Luật mới về đầu tư và đặc khu kinh tế, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho đầu tư kinh doanh.
Theo đó, Campuchia sẽ cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp với khoảng 400 triệu USD mỗi năm...
2. Về phía Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc: cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động bậc nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng hằng năm trên dưới 7% trong mấy thập kỷ qua. Mặc dù duy trì sức tăng trưởng nhanh nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát được sự ổn định vĩ mô, lạm phát thấp, chỉ khoảng 3,5%, trong đó lạm phát cơ bản luôn dưới 2%. Việt Nam là thị trường rộng lớn với quy mô dân số gần 100 triệu người, thu nhập đang tăng nhanh. Tầng lớp trung lưu hiện chiếm trên 15% dân số. Việt Nam được xem là nền kinh tế có độ mở thương mại cao hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 200% GDP và không gian thương mại tiếp tục rộng mở hơn dưới sự chủ động hội nhập quốc tế.
Môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam đang được cải thiện theo các chuẩn mực quốc tế. Dòng vốn nước ngoài liên tục đổ vào cùng với làn sóng khởi nghiệp trong nước cho thấy những nền tảng đã được tạo ra và triển vọng rất tươi sáng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia. Thủ tướng cũng cho biết, dự án đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài-Bavet sẽ sớm được khởi công vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020.